Các vụ án Xét xử động vật

Xét xử chuột

Một vụ án xét xử chuột được diễn ra vào năm 1508, cánh đồng lúa mạch của dân làng Atun (Pháp) bị đàn chuột phá hoại. Người làng khởi kiện đàn chuột ra tòa án giáo hội vì hành vi phá hủy vô cớ mùa màng. Giám mục phụ trách phiên tòa giao nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của đàn chuột cho luật sư trẻ tuổi Bartholomew Chassenée. Trước phiên xét xử, dân làng dựng biển trên đường với nội dung triệu tập đàn chuột tới trước tòa án giáo hội để nghe hạch tội. Vào ngày xét xử, đàn chuột không xuất hiện khiến bên buộc tội đề nghị xét xử vắng mặt. Bartholomew phản đối vì bị đơn không phải chỉ là một con chuột mà cả đàn sống rải rác khắp khu vực nên lệnh triệu tập đầu tiên không thể tiếp cận tới mọi con chuột.

Giám mục đồng ý với lập luận của Bartholomew và cho tạm hoãn phiên tòa cho tới khi giấy triệu tập phù hợp được tống đạt xong. Theo yêu cầu của giám mục, giấy triệu tập sẽ được dán trong mọi nhà thờ của các làng bên cạnh để đảm bảo cả đàn chuột biết nghĩa vụ hầu tòa. Ngày xét xử tiếp theo, đàn chuột lại tiếp tục vắng mặt. Luật sư chỉ ra rằng để tới được địa điểm xét xử, đàn chuột sẽ phải ra ngoài không gian mở, nơi chó và mèo sẵn sàng tấn công. Như vậy, thân chủ mình không có nghĩa vụ phải tuân theo trát hầu tòa nếu việc ấy gây nguy hiểm tới tính mạng. Việc đổi địa điểm xét xử không có tác dụng vì dù ở đâu cũng sẽ rình rập những hiểm nguy như vậy. Một lần nữa, giám mục đồng ý với lập luận của luật sư và ra lệnh hoãn xét xử vô thời hạn và luật sư đã thành công bảo vệ thân chủ là đàn chuột.

Xét xử gà

Một trong những phiên tòa còn được lưu truyền là khi người dân làng Basel ở Thụy Sĩ đưa một con gà trống ra xét xử vì nghi nó đẻ trứng vào năm 1474, đây là một trường hợp hi hữu diễn ra vào năm 1474. Tòa án kết án một con gà trống phạm tội đẻ trứng đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Theo tín ngưỡng thời ấy, trứng gà trống là thành phần trong tà thuật của phù thủy và có thể sinh ra một con Cockatrice nên thời đó, trứng gà trống được cho là thành phần trong tà thuật của phù thủy. Luật sư bào chữa lập luận thân chủ không cố ý đẻ trứng, hơn nữa quả trứng chưa được sử dụng vào việc ác, con gà vì thế không phải chịu trách nhiệm vì chưa có hậu quả. Phía buộc tội phản bác rằng vấn đề vô ý hay cố ý không quan trọng vì quỷ dữ hoàn toàn có thể xâm nhập vào cơ thể bị cáo và đẻ trứng hộ con vật, việc gà trống đẻ trứng trong bất cứ trường hợp nào cũng là điều ác, có thể gây hại tới toàn cộng đồng. Cuối cùng, con gà trống này vẫn bị kết tội và thiêu sống.

Xét xử khỉ

Theo văn hóa dân gian địa phương, thuật ngữ "Monkey hanger" (tạm dịch: Khỉ treo cổ) bắt nguồn từ một vụ án về một con khỉ bị treo cổ tại Hartlepool ở Anh. Trong chiến tranh Napoléon, một chiến hạm của hải quân Pháp là Chasse-marée bị đắm ở bờ biển Hartlepool. Chỉ còn đúng một con khỉ sống sót, nó mặc trên mình quân phục Pháp để mua vui cho thủy thủ đoàn. Khi tìm thấy con khỉ, một vài người dân địa phương đã tổ chức một cuộc xét xử ngay trên bãi biển; khi mà con khỉ không thể trả lời được bất kỳ câu xét hỏi nào của họ và vì họ chưa từng thấy một con khỉ hay một người Pháp trước đây, họ kết tội con khỉ thực chất là một gián điệp của quân Pháp.[1] Bị phán quyết là có tội, chú khỉ tội nghiệp bị kết án tử hình bằng việc treo cổ trên bãi biển.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xét xử động vật http://www.animallaw.info/journals/jo_pdf/lralvol9... http://www.animalsandsociety.org/assets/library/27... //dx.doi.org/10.1093%2Fpast%2F110.1.6 http://www.humphrey.org.uk/papers/2002Bugs&Beasts.... http://bongdaplus.vn/tin-tuc/bong-da-cuoc-song/bie... https://books.google.com/books?id=AFL7O5nj0bUC&pg=... https://vnexpress.net/nhung-phien-toa-nguoc-doi-ph... https://web.archive.org/web/20070629062204/http://... https://web.archive.org/web/20110610163342/http://... https://web.archive.org/web/20110727122106/http://...